CTRL + ALT + DELETE là tổ hợp phím vô cùng quen thuộc đối với đại đa số người dùng Windows khi họ muốn chạy trình quản lý tác vụ Task Manager, xem thông tin hệ thống, khởi động lại máy tính,… Năm 2013, Bill Gates, người sáng lập đồng thời là cha đẻ của Windows đã gọi tổ hợp phím này là một sai lầm và đổ lỗi cho IBM. Vì sao vậy? Bài viết này sẽ kể lại câu chuyện về những buổi đầu của huyền thoại phím nóng này và tất nhiên, câu chuyện sẽ khởi đầu từ IBM.
1. Lịch sử của một kẻ vô danh
David Bradley (sinh năm 1949) là một lập trình viên làm việc cho IBM từ năm 1975. Đến năm 1978, ông tham gia phát triển Datamaster, 1 trong những cỗ máy tính đầu tiên của IBM. Vào thời gian này, khái niệm máy tính đã trở nên dễ tiếp cận hơn và Bradley là 1 trong những người thúc đẩy việc phổ biến chúng. Vào tháng 9 năm 1980, Bradley được IBM chọn là 1 trong nhóm 12 người phát triển chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của IBM (dự án Acorn).
Vào thời điểm bấy giờ, Apple và RadioShack đã bán ra những chiếc máy tính của riêng họ, do đó, dự án Acorn là mục tiêu hàng đầu và vô cùng cấp bách đối với IBM. Thay vì phải mất 3 đến 5 năm, IBM đặt ra mục tiêu phải hoàn thành dự án Acorn trong vòng 1 năm duy nhất. Bradley cho biết: “Chúng tôi phải thiết kế những thứ cơ bản nhất của máy tính. Mọi thứ bắt đầu từ con số 0” Bradley cho biết ông phải làm hầu như mọi thứ, từ viết các chương trình input/output để kiểm tra các bảng mạch quấn dây (Wire Wrap Board).
2. Sự ra đời ngẫu hứng của tổ hợp phím huyền thoại
Lúc bấy giờ, một trong những điều bực mình nhất đối với các lập trình viên là bất cứ khi nào máy tính xảy ra sự cố mã hóa, họ phải tự khởi động lại toàn bộ hệ thống bằng tay. Khi máy được mở lại, nó sẽ tự động thực hiện một chuỗi các bài test bộ nhớ với thời gian khá lâu. Bradley cho biết: “Có những ngày, cứ 5 phút là bạn phải khởi động lại máy tính 1 lần. Khi đó, lập trình viên chỉ còn biết ngồi vò đầu bứt tóc khi chờ đợi những bài test tẻ nhạt diễn ra.”
Và do đó, Bradley đã tạo ra một phím tắt nhằm bắt máy tính khởi động lại mà không cần test bộ nhớ. Khi tạo nên phím tắt này, ông không hề biết rằng rồi đây nó sẽ trở thành một huyền thoại không thể không nhắc đến của Windows. Ông chia sẻ: “Tôi mất khoảng 5 – 10 phút để tạo ra nó và sau đó, chuyển sang công việc tiếp theo trong số hàng trăm việc cần phải làm.” Bradley đã chọn tổ hợp phím sau cho phím Delete ở vị trí càng xa 2 phím còn lại càng tốt để tránh trường hợp vô tình nhấn 3 phím cùng lúc. Và tất nhiên, ông tạo ra tổ hợp phím này cho riêng ông và đồng nghiệp của mình chứ chưa bao giờ có ý định sẽ giới thiệu cho người dùng.
Cuối cùng, nhóm 12 người cũng đã hoàn thành dự án Acorn đúng hạn. Vào mùa thu năm 1981, chiếc máy tính cá nhân của IBM chính thức lên kệ – đó đơn giản là một chiếc hộp màu xám đặt bên dưới 1 chiếc màn hình. Các chuyên gia marketing dự đoán IBM sẽ bán được 241.683 chiếc máy tính trong năm đầu tiên và thậm chí, hãng cho rằng con số ước tính này là quá lạc quan. Tất cả đều sai! Cuối cùng hãng đã bán được hàng triệu cỗ máy, khách hàng ở mọi độ tuổi dùng máy để chơi game, chỉnh sửa văn bản và tính toán số liệu.
3. Windows của Bill Gates biến tổ hợp phím huyền thoại trở nên nổi tiếng và thông dụng
Tuy vậy, chỉ một số ít người dùng phát hiện được tổ hợp phím tắt do Bradley tạo ra. Mãi cho tới đầu những năm 1990, khi máy tính Windows của Microsoft bắt đầu “cất cánh” thì CTRL + ALT + DELETE mới được trở nên nổi tiếng. Khi những chiếc máy trên toàn thế giới xuất hiện lỗi và xuất hiện “màn hình xanh chết chóc” huyền thoại, phương pháp khởi động lại máy tính được đề xuất trong dòng chữ trắng là “CTRL + ALT + DELETE”. Một cách hoàn toàn tự nhiên, những đoạn mã đơn giản của Bradley vô tình trở thành cụm phím “cứu cánh” được hàng triệu người biết tới. Thậm chí, các bài báo còn ca ngợi đây là “tư thế chào 3 ngón tay” – một tư thế thanh tao dành cho những người dùng máy tính cá nhân. Tuy nhiên, Bill Gates đã chê bai tổ hợp phím tắt này do phải dùng 2 tay để thao tác thay vì 1 tay, ông cũng từng muốn tạo ra một phím khác cho tác vụ trên nhưng ông nhận ra tổ hợp phím tắt đã quá thông dụng và nổi tiếng. Cũng phải thôi, cứ mỗi 1s lãng phí, vị tỷ phú này mất đến 250$ mà, chúng ta có thể thông cảm được lý do vì sao mà ông chê bai tổ hợp phím CTRL + ALT + DELETE rồi.
Vào năm 2001, hàng trăm người đã tụ hợp tại Viện bảo tàng phát minh công nghệ tại San Jose để kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của IBM PC. Sau 2 thập niên từ khi ra mắt, IBM đã bán ra hơn 500 triệu chiếc máy tính cá nhân trên phạm vi toàn thế giới. Sau bữa ăn tối trong ngày lễ kỷ niệm, người ta đã tổ chức một cuộc hội thảo của những nhân vật đầu ngành, bao gồm cả chủ tịch Microsoft Bill Gates. Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên không dành cho Bill Gates hay bất cứ ai khác, mà mọi sự chú ý đều đổ dồn về David Bradley – người đã dành ra chỉ 5 phút để tạo nên một huyền thoại phím tắt cho hàng triệu người.
Bradley đã nói vui rằng: “Tôi phải chia sẻ món nợ này với mọi người. Có thể tôi đã phát minh ra phím tắt đó, nhưng tôi nghĩ Bill mới là người đã làm nó trở nên nổi tiếng như hiện ngày.” Thật sự nếu có một danh hiệu “Anh hùng bàn phím” đúng nghĩa, thiết nghĩ chúng ta nên dùng nó để vinh danh vị lập trình viên này. Đối với mỗi người dùng Windows, nếu đã, đang hoặc sẽ sử dụng phím nóng CTRL + ALT + DELETE để giải quyết vấn đề máy tính thì lúc ấy, nên thầm cám ơn cha đẻ của nó là David Bradley.