Tổng quan về WordPress Multisite
Kể từ phiên bản 3.0 trở đi, WordPress đã hỗ trợ thêm một tính năng thú vị mà có thể bạn chưa để ý tới; đó là Multisite. Chức năng này sẽ giúp ta tạo ra một mạng lưới các website trên một mã nguồn duy nhất; và ta có thể tạo ra rất nhiều website con dựa trên mạng lưới này mà không cần phải cài đặt thêm mã nguồn riêng cho từng website.
Trong phần đầu tiên này, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một số yếu tố như:
- Multisite là gì?
- Tính năng của WordPress Multisite.
- Lợi ích mang lại và khi nào không nên dung WordPress Multisite.
Multisite là gì?
Như ở trên đã nói, từ phiên bản 3.0 thì WordPress đã hỗ trợ multisite cho phép tạo ra mạng lưới các website trên một mã nguồn duy nhất.
Điều này có nghĩa là bạn chỉ cần cài đặt WordPress trên một site chính, sau đó bạn có thể tạo bao nhiêu trang con tùy thích. Tùy vào dung lượng cũng như khả năng chịu tải trên server của bạn.
Điều tuyệt vời mà Multisite mang lại đó là gần như giống với một bản cài đặt hoàn chỉnh: nó có cấu trúc thư mục, tập tin hệ thống. Việc cài đặt trên mạng lưới sẽ đơn giản hơn nhiều so với cài đặt một mã nguồn WordPress chuẩn. Tất cả theme, plugin được lưu trữ trên máy chủ và được cài đặt sẵn trên giao diện admin. Với các website con trong mạng lưới bạn chỉ cần kích hoạt theme, plugin đã được cài đặt sẵn là có thể sử dụng được thay vì phải cài đặt lại.
Tính năng của WordPress Multisite
- Bạn có thể chạy nhiều website khác nhau trên cùng một máy chủ.
- Bạn có thể tạo tên miền con như http://blog.digistar.com hoặc đường dẫn như https://digistar.vn/blog cho các website con này.
- Tạo tài khoản người dùng quản lý riêng cho mỗi website.
- Với quyền admin, bạn có thể thêm theme, plugin trên server. Và tài khoản con sẽ sử dụng theme, plugin mà bạn cài trên server và không thể cài đặt thêm.
- Và một điều bạn cần chú ý nữa là tất cả các website trên server đều sử dụng chung database.
Lợi ích mang lại và khi nào không nên dung WordPress Multisite
Nói về lợi ích, ta có thể thấy Multisite mang lại cho chúng ta một số lợi ích như:
- Có thể tạo ra bao nhiêu website con tùy thích và dễ dàng phân quyền, quản lý nó.
- Tiết kiệm đáng kể tài nguyên. Tất cả đều được dung chung một mã nguồn nên sẽ hạn chế được lượng tài nguyên sử dụng.
- Quản lý theme/plugin một cách dễ dàng. Tất cả các website con sẽ sử dụng theme/plugin mà người quản trị cài đặt trên server.
Đúng là rất tiện lợi phải không. Mặc dù chức năng này khá thú vị, nhưng không phải nhất thiết bạn phải cài đặt nó. Dưới đây là một số ví dụ bạn không nên sử dụng Multisite:
- Bạn muốn tạo một trạng web hoặc blog duy nhất và không muốn tạo nhiều hơn trong tương lai.
- Bạn đang tạo ra các trang web cho khách hang nhưng muốn được quản lý trên dịch vụ của nhiều nhà cung cấp khác nhau. Hoặc có thể khách hang đã có dịch vụ lưu trữ riêng.
- Mỗi trang web bạn tạo ra cần có cơ sở dữ liệu riêng của nó (có thể vì lý do an ninh).
- Mỗi trang web cần một địa chỉ IP riêng.
- Quản trị website con cần được cài đặt plugin/theme riêng của họ.
- Bạn cần di chuyển website con đến một máy chủ khác (điều này là có thể thực hiện được nhưng rất phức tạp).
Nếu bạn có một trong các yếu tố kể trên, tôi khuyên bạn nên sử dụng một bản cài đặt WordPress chuẩn để có thể dễ dàng quản lý hơn.
Tóm lại
Bài viết này đã giới thiệu sơ bộ về WordPress Multisite. Qua đó mong bạn đọc có thể hình dung được Multisite là gì và những tính năng của Multisite. Ở các bài viết tiếp theo, tôi sẽ đi sâu vào WordPress Multisite để các bạn có thể áp dụng cho hệ thống của mình.
Tác giả: Trịnh Đức Minh